top of page
[BÌNH ĐẲNG GIỚI: "CÀO BẰNG" QUYỀN LỢI HAY TÔN TRỌNG CÁ NHÂN?]
“Cả nam giới và nữ giới nên có quyền tự do bộc lộ cảm xúc. Cả nam giới và nữ giới có quyền mạnh mẽ. Đây là lúc chúng ta nên ý thức hơn về bình đẳng giới, thay vì đứng ở hai phía đối lập." _Emma Watson_
Ngày nay, khi các góc nhìn, quan điểm đa dạng về vai trò và quyền lợi của mọi giới đều được lan tỏa rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bình đẳng giới đã không còn là một khái niệm xa lạ. Song sau cùng, giá trị thực sự của phong trào này có là "nam nữ bình quyền"? Và, liệu góc nhìn, quan niệm của chúng ta về ba chữ “bình đẳng giới” đã thực sự đúng đắn?
Trước hết, “bình đẳng giới” thực sự là như thế nào? Bình đẳng giới không phải việc “trọng nam” hay “trọng nữ” hơn, lại càng không phải chỉ đấu tranh cho quyền lợi của một giới. Bình đẳng giới, theo Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, thực chất là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Vậy "mọi giới đều bình đẳng" có đồng nghĩa với việc "đấu tranh cho bình đẳng giới là phụ nữ phải làm công việc dành cho đàn ông, và ngược lại” hay không? Trên thực tế, không ít nhà nữ quyền kêu gọi phái nữ cần phải tham gia vào nền kinh tế, trở thành luật sư, bác sĩ, chính trị gia và bằng mọi giá đạt được những vị trí tương đương với nam giới thì mới được coi là đấu tranh cho nữ quyền. Về phía nam giới, họ phải lui về hậu phương làm việc nhà, dành toàn thời gian chăm sóc con cái thì mới được coi là đạt đến hình mẫu "người chồng quốc dân" và thúc đẩy sự bình đẳng trong xã hội. Nếu đây không phải là điều họ muốn làm, liệu việc thúc ép này có thực sự là giá trị mà bình đẳng giới nên hướng đến?
Đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh để mọi người đều được tạo điều kiện làm những việc theo ý muốn của mình mà không bị giới hạn bởi giới tính. Một bạn nữ muốn ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái không hề mâu thuẫn với giá trị và mục tiêu của phong trào nữ quyền nếu như điều đó là mong muốn của bạn, không bị ép buộc hay gây áp lực bởi gia đình và xã hội. Ngược lại, nam giới “xuống bếp” đơn giản chỉ là cách họ san sẻ việc nhà với người vợ, và chẳng phải là minh chứng người chồng xuống bếp mới là đàn ông đích thực. Trong gia đình, bình đẳng không phải là nam giới xuống bếp và nữ giới từ bỏ bếp núc, mà cùng nhau san sẻ việc nhà. Trong công việc, sự bình đẳng không thể đạt được khi hàng loạt tiêu chí về tỉ lệ nữ giới ở những ngành nghề chính trị, khoa học được đặt ra, mà là khi phụ nữ được làm công việc đúng với sở trường, nguyện vọng của mình, và không bị bó buộc bởi thang đo "thành công" mà hệ quy chiếu ở đây là nam giới.
Đấu tranh cho bình đẳng giới, bởi vậy, là đấu tranh cho quyền tự do lựa chọn của mỗi người.Sau tất cả, giá trị thực sự của “bình đẳng giới” nằm ở hai chữ “tôn trọng”.
Bình đẳng là khi mọi giới đều nhận được sự tôn trọng khi làm những gì bản thân thực sự muốn thay vì bị bó buộc trong những thước đo, khuôn mẫu vô lý. Bình đẳng giới không phải là "cào bằng" quyền lợi của các giới, mà là cho họ quyền được lựa chọn, được sống đúng với cá tính, cảm xúc và những sở thích, không cần phải gò bó hay ép buộc mình phải sống giống bất kỳ ai.
Như vậy, giá trị cốt lõi của bình đẳng giới luôn là giúp cho con người ta được sống đúng với những gì tự nhiên vốn có trong con người của mình, biết trân trọng bản thân và trân trọng lẫn nhau. Để cuối cùng, chúng ta tiến đến việc biết đấu tranh cho bình đẳng của toàn xã hội, cho quyền con người của toàn nhân loại.
Vietnamese Students' Women Association - Không một bạn nữ nào bị bỏ lại phía sau.
Power in Numbers
Programs
Locations
Volunteers
Project Gallery
bottom of page