top of page
[KHÁM PHÁ: CHU KỲ KINH NGUYỆT]
Kinh nguyệt được ví như “tệp đính kèm” của khả năng mang thai, là nỗi phiền toái của phái nữ khi đến tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu như “trái dâu” không rụng đều đặn vào mỗi tháng thì rất có thể chúng ta đã gặp các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bản thân là vô cùng quan trọng trong việc theo dõi sức khoẻ sinh sản, cũng như có một sự chuẩn bị chu đáo, phòng tránh những tình huống có thể xảy ra.
Vậy nên, để tiếp nối series KHÁM PHÁ, VFSA sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin cần thiết về cách một chu kỳ kinh nguyệt vận hành để hiểu hơn về cơ thể mình nhé:
Trước hết, kinh nguyệt là sự bong tróc hàng tháng của lớp niêm mạc tử cung (còn gọi là dạ con) ở người phụ nữ khi không xảy ra hiện tượng thụ thai. Chu kỳ kinh được hoạt động điều hoà bởi sự thay đổi phức tạp của nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ, tuy độ dài chu kì mỗi người khác nhau, nhưng quá trình là như nhau.
Ngày đầu tiên của chu kỳ được tính từ ngày đầu các bạn nữ “rụng dâu”, kéo dài khoảng 3-5 ngày. Trong thời gian này, chúng ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện như đau bụng kinh, đau lưng dưới, tức ngực, đau đầu, dễ cáu gắt, nóng giận,… Tuy nhiên, nếu số ngày có kinh vượt quá 8 ngày (gọi là hiện tượng rong kinh), bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ.
Trong ngày thứ 6 đến ngày thứ 13 của chu kì, hormones trong cơ thể tăng khiến cho chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng, da trở nên căng bóng hơn. Đặc biệt khi estrogen chạm đỉnh vào ngày thứ 10-13 là thời gian năng suất nhất của tháng, các bạn có thể thực hiện những công việc quan trọng trong thời gian này.
Tuy nhiên, vào ngày thứ 14-15 xảy ra hiện tượng rụng trứng, thông thường sẽ có 1-3 trứng rụng mỗi tháng, nhưng chỉ tồn tại trong cơ thể phụ nữ trong 24 giờ Nếu không được thụ thai, trứng sẽ chết và được đẩy ra ngoài theo kinh nguyệt của kỳ kinh ngay tiếp sau đó. Dấu hiệu nhận biết trứng rụng là khí hư có màu trong suốt, dai, có thể kéo dãn mà không đứt giống như lòng trắng trứng.
Sau rụng trứng, sự thay đổi hormones đột ngột trong cơ thể khiến các bạn mệt mỏi, tiêu cực, da đổ dầu và mọc mụn, cần sự thư giãn và ăn uống lành mạnh. Từ ngày 23-25 của chu kì, progesterone tăng cao gây đầy hơi, lờ đờ, uể oải.
Gần tới chu kỳ tiếp theo, bạn có thể thấy căng tức vùng ngực, đau bụng, không muốn làm việc. Hãy uống nhiều nước, giảm lượng đường và cafein nạp vào cơ thể và sẵn sàng cho chu kì tiếp theo.Với những thông tin trên, hi vọng các bạn nữ có thể hiểu được những thay đổi trong cơ thể cũng như tâm trạng của mình đến từ sự thay đổi hormones điều hoà chu kỳ kinh nguyệt, biết được thời gian làm việc năng suất nhất để sắp xếp hoàn thành công việc sao cho hợp lý. Ngoài ra, cần tránh những tác nhân gây ảnh hưởng tâm lý, stress dẫn đến hiện tượng trễ kinh, rong kinh, rối loạn kinh nguyệt,… Khi nhận thấy những biểu hiện bất thường về kinh nguyệt, hãy đến những cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm nhất. Ngoài ra, để theo dõi chu kỳ, đối với thiết bị IOS, các bạn có thể sử dụng ứng dụng Health phần Cycle Tracking hoặc các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt có sẵn để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Tác giả: Uyên Lê.
Nguồn ảnh: Sưu tầm.
Power in Numbers
Programs
Locations
Volunteers
Project Gallery
bottom of page