top of page

[NHỮNG CON BÚP BÊ: LÊN TIẾNG!] LY HÔN - AI LÀ KẺ “GÁNH TỘI”?

Trong xã hội hiện đại, khi tình yêu trở nên tự do và bình đẳng, chúng ta đã và đang có nhiều quyền quyết định hơn về người mà mình mong muốn cùng đồng hành trong cuộc đời. Tuy nhiên, khi một mối quan hệ gặp phải những khó khăn, trắc trở, ly hôn là giải pháp tốt nhất để đôi bên có thể tìm được cho mình sự hạnh phúc và bình yên mới. Vậy mà, trong một cuộc chia ly có sự đồng thuận của 2 bên, người nữ thường có xu hướng bị đổ lỗi và bị cho rằng “không biết giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Định kiến này đã trói buộc người phụ nữ bằng những lời chỉ trích và áp lực vô hình, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt trong giai đoạn hậu ly hôn, phụ nữ thường dễ gặp phải những vấn đề, khúc mắc như: trầm cảm, lo âu, chịu đựng sự phán xét của người thân và xã hội, và hơn cả là nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Nguyên nhân của những định kiến ấy là bởi giá trị của người phụ nữ vẫn luôn vô hình chung bị đặt ở việc kết hôn. Theo quan niệm của Á Đông, công việc chính của người phụ nữ vẫn luôn xoay quanh những giá trị gia đình. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã cho thấy sự phân biệt giữa vai trò của 2 giới trong hôn nhân. Trong khi người đàn ông luôn gắn với việc kiếm tiền, làm trụ cột gia đình thì công việc của người phụ nữ sẽ luôn là chăm sóc, nội trợ và bếp núc. Điều này không chỉ đặt gánh nặng lên cả hai giới mà còn gây ra những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ. Bên cạnh đó, đối với nhiều người, 1 tấm chống hay 1 mái ấm gia đình là tiêu chí để đánh giá sự thành công của người phụ nữ. Chính vì điều này, khi một người phụ nữ bước ra khỏi một cuộc hôn nhân, xã hội luôn cho rằng cô ấy đã “thất bại” trong việc “giữ gìn hạnh phúc gia đình”, “không biết nhường nhịn, sẻ chia, thông cảm với chồng”,...
Nếu như trong việc quyết định ly hôn, người phụ nữ đã gặp phải muôn vàn trắc trở, khó khăn, thì hậu ly hôn, giá trị của người phụ nữ còn bị hạ thấp và chịu nhiều điều tiếng, phán xét từ xã hội. “Con này nó bị chồng bỏ đấy”, “Loại gái đã qua một đời chồng thì chả ra gì”,... Người phụ nữ khi bước ra khỏi một cuộc hôn nhân không chỉ chịu những áp lực từ phía người thân, gia đình, bạn bè mà còn là cả những định kiến về giới. Điều này không chỉ khiến họ khó có khả năng tìm kiếm hạnh phúc mới mà còn khiến chính những người phụ nữ ấy tự ti và xấu hổ về bản thân mình. Đối với phụ nữ phương Đông, khi mà vai trò chính của họ là nội trợ thì việc ly hôn sẽ còn gây ra gánh nặng tài chính nặng nề, khiến họ gặp nhiều khó khăn để có thể chăm lo cho bản thân mình và con cái.
Hệ quả của những định kiến này khiến cho người phụ nữ chần chừ, sợ hãi khi đối mặt với việc ly hôn. Nó không chỉ khiến họ phải chịu đựng một mối quan hệ không hạnh phúc mà thậm chí còn ảnh hưởng đến con cái. Vì sợ điều tiếng và có suy nghĩ rằng “Một gia đình hạnh phúc là gia đình có đầy đủ bố và mẹ”, nhiều người phụ nữ lựa chọn tiếp tục mối quan hệ không trọn vẹn dù cho không hạnh phúc. Điều này khiến những đứa con phải gánh chịu những rạn nứt và tổn thương của cha mẹ, dẫn đến một gia đình “khuyết”, một gia đình thiếu đi sự ấm áp và gắn kết.

Bên cạnh người phụ nữ, người đàn ông cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở thời gian hậu ly hôn. Định kiến “Đàn ông không được thể hiện cảm xúc” đã khiến cho họ phải chịu những khó khăn trong quá trình sau chia tay một mình mà không thể sẻ chia, bày tỏ hay nhận được sự đồng cảm từ xã hội hay mọi người xung quanh.

Ly hôn là một kết thúc không ai mong muốn đối với cả hai giới. Mỗi giới đều phải nhận những định kiến và phán xét của xã hội, khiến họ khó có thể “hồi phục” và vượt qua khoảng thời gian trắc trở ấy để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Ly hôn không phải là một sự thất bại mà nó là một bài học để giúp cho người trong cuộc hoàn thiện bản thân tốt hơn và tìm được cho mình sự lựa chọn phù hợp hơn trong tương lai.

Vì vậy, Vietnamese Female Students Association - Tổ chức Nữ sinh Việt mong muốn, quyết định ly hôn của mỗi người nên nhận được sự tôn trọng từ mọi người xung quanh, đồng thời, cả người phụ nữ và người đàn ông đều không nên bị đánh giá thấp vì đã từng trải qua một chia ly, đổ vỡ. Hơn hết, Tổ chức hi vọng rằng, vai trò và quyền lợi của cả 2 giới sau ly hôn đều phải được bình đẳng, cả về mặt pháp lý lẫn vai trò xã hội và văn hóa.

Power in Numbers

Programs

Locations

Volunteers

Project Gallery

bottom of page