top of page

[NHỮNG CON BÚP BÊ: LÊN TIẾNG!] WOMEN SUPPORT WOMEN: HÉ LỘ MẶT TỐI CỦA BẠO LỰC MẠNG GIỮA NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ

Theo số liệu nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, có tới 62,9% phụ nữ Việt Nam đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong cuộc sống. Và trong số đó, không gian mạng chính là nơi thể hiện rõ ràng nhất sự cay nghiệt và vô cảm của phụ nữ với nhau.
“Inbox có video”, “ra đường ăn mặc như thế thì tự chịu”, “tôi cũng là con gái nhưng…”,... Đây là những bình luận, status luôn xuất hiện hàng loạt mỗi khi những thông tin xấu về một cô gái bị lan truyền trên mạng xã hội, như bị quấy rối, lộ hình ảnh nhạy cảm, bị bạo lực, và nhiều hơn thế nữa. Và thật đáng buồn khi một số lượng lớn những ý kiến trên lại xuất phát từ chính những người cùng là phụ nữ với nạn nhân. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến việc những người đáng ra nên hiểu, thông cảm và bảo vệ nạn nhân nhất lại nhẫn tâm buông lời chỉ trích họ.
Thứ nhất, môi trường sống đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy nhận thức của họ, bởi lẽ con người từ xưa luôn có một chấp niệm mạnh mẽ đối với sự “công bằng”. Họ tin rằng chuyện tốt sẽ luôn đến với người tốt và ngược lại. Một ví dụ tiêu biểu cho sự “công bằng” vô lý này là khi một người phụ nữ rơi vào một tình huống xấu, có ý kiến cho rằng người phụ nữ ấy đã làm việc xấu hoặc có nhân cách không đứng đắn cho nên mới phải hứng chịu việc bị chỉ trích. Nhưng ít ai hiểu được rằng, “công bằng” ngay từ đầu vốn dĩ không phải tự nhiên mà có, khái niệm công bằng vẫn luôn thay đổi xuyên suốt lịch sử con người. Vậy nên chính con người mới là yếu tố thiết yếu uốn nắn định nghĩa của sự công bằng.
Bên cạnh đó, văn hoá xã hội nơi họ lớn lên đã giáo dục một niềm tin sai lệch rằng phụ nữ nếu không tuân theo những quy tắc “bất thành văn” thì phải chấp nhận sự quấy rối, sự bất công, nên họ hoàn toàn có quyền lên án, đổ lỗi cho nạn nhân. Tư duy ấy đã ăn sâu vào trong ý thức của rất nhiều thế hệ, khiến cho những người phụ nữ không nhận thức được việc làm của mình là không đúng, cũng như nạn nhân không dám lên tiếng mà chỉ lặng lẽ hứng chịu sự lạnh lùng, vô cảm và cay nghiệt của dư luận. Việc thường xuyên tiếp nhận những thông tin độc hại trên mạng xã hội cũng đóng góp không nhỏ trong việc khiến họ sinh ra tâm lý vô cảm trước hoàn cảnh của người khác. Vì khi họ đã tiếp xúc đủ lâu và trở nên quá quen thuộc với những thông tin sai lệch, độc hại, đổ lỗi và chỉ trích nạn nhân trên mạng xã hội, dần dà sẽ củng cố niềm tin rằng những việc ấy là điều đáng phải nhận. “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực”.
Cuối cùng, “hiệu ứng đám đông” cũng là một trong những yếu tố khiến ít người dám đứng lên bênh vực, bảo vệ nạn nhân. Tâm lý sợ khác biệt, sợ đi ngược lại với số đông không chỉ khiến những người muốn giúp đỡ nạn nhân chùn bước, mà còn thúc đẩy việc lan truyền những thứ niềm tin lệch lạc kia rộng rãi hơn. Có lẽ nỗi sợ lớn nhất của con người không phải là cô đơn, mà là cảm thấy cả thế giới đang quay lưng lại với họ.
Hiệu ứng đám đông không chỉ ảnh hưởng đến những người xa lạ chỉ nhìn thấy câu chuyện qua chiếc màn hình, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nạn nhân. Ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, không chỉ bạo lực mạng mà 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng. Việc chứng kiến những ý kiến trái chiều trên mạng có thể dễ dàng làm nạn nhân cảm thấy chính họ là người làm sai, mà đã sai thì không có quyền được lên tiếng. Hay đơn giản hơn là họ cảm thấy xấu hổ trong khi họ là người chịu thiệt, bởi lẽ việc ngay cả những người cùng là phụ nữ với họ cũng góp phần chỉ trích sẽ khiến họ sinh ra tâm lý “dù có lên tiếng cũng sẽ không có ai giúp đỡ”.
Vì vậy, việc giữ một cái đầu lạnh và tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc là điều vô cùng cần thiết trước những bài viết trái chiều, chúng ta cần suy xét một cách khách quan, tránh lối suy nghĩ phiến diện để không bị dắt mũi trước những chiêu trò truyền thông nhắm vào một nhóm đối tượng nhất định. Mỗi người chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của nạn nhân, để có thể thấu hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Bên cạnh đó, “hiệu ứng đám đông” cũng là một cách mà chúng ta - những người phụ nữ, có thể sử dụng để bảo vệ cho nạn nhân trước búa rìu dư luận, vì khi ta hợp sức lại, nhiều ý kiến bảo vệ có thể khơi gợi sự đồng cảm ở những người khác, từ đó họ sẽ ngại đưa ra những ý kiến chỉ trích gay gắt đối với nạn nhân, và hành động của ta có thể góp phần nào an ủi, động viên và truyền năng lượng cho những nạn nhân vượt qua nghịch cảnh. Đó cũng chính là tôn chỉ hoạt động của Vietnamese Students' Women Association - Không một bạn nữ nào bị bỏ lại phía sau.
Selena Gomez đã từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: "Tôi nghĩ việc mạng xã hội luôn công kích và khiến phụ nữ đấu đá lẫn nhau một phần chính là từ nỗi sợ phụ nữ sẽ vùng lên. Nếu phụ nữ chúng ta cùng nhau hợp lại làm một, chẳng có gì chúng ta không làm được cả.”.
Tác giả: Uyên Lê, Thùy Chi. Nguồn ảnh: Miles Johnston.

Power in Numbers

Programs

Locations

Volunteers

Project Gallery

bottom of page