top of page

[TỰ TIN HAY TÍN NGƯỠNG] NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN SỰ TỰ TI

Bước vào thời kỳ thế giới đổi mới và đi lên, sự phủ sóng của văn hóa tôn thờ sự tự tin tăng lên một cách chóng mặt: từ các phương tiện sách báo, mạng xã hội, cho đến nhà trường, công sở và gia đình. Không thể phủ nhận rằng sự tự tin là chìa khóa dẫn đến thành công hay một bí quyết trở nên hạnh phúc, song cách truyền thông và văn hóa đại chúng tôn thờ sự tự tin và biến nó trở thành một trong những phẩm chất bắt buộc phải có của người phụ nữ đã vô hình chung khiến nữ giới tự ti hơn về bản thân mình.
Trong cuốn sách Confidence Culture, hai nhà nghiên cứu Rosalind Gill và Shani Orgad đã chỉ ra rằng: sự tự tin đang dần khiến phụ nữ bỏ quên đi những vấn đề thực sự mang tính cấu trúc xã hội, mà chỉ tập trung vào thay đổi tâm lý và thái độ của bản thân để phòng thủ, chống lại nguyên nhân mang tên "sự phán xét". Gốc rễ của vấn đề ấy xuất phát từ chính cộng đồng, khi một bộ phận dùng những lời chỉ trích, đánh giá, tạo nên bạo lực ngôn từ trong môi trường giao tiếp. Bên cạnh ấy, tiêu chuẩn và sự kỳ vọng áp đặt lên phái nữ tạo ra cảm giác yếu kém giữa người với người vẫn còn tồn đọng xuyên suốt hàng thập kỷ. Chúng ta đóng khuôn người phụ nữ vào một hình mẫu tự tin - một mệnh lệnh bất biến, quy chụp về đạo đức và giá trị của phái nữ. Những khuôn mẫu và nhãn mác ấy chính là nguyên nhân tạo nên sự tự ti cho nữ giới ngày nay, thứ tước đi ước mơ và định nghĩa về hạnh phúc cá nhân của họ. Những người phụ nữ đi ngược lại với tiêu chuẩn xã hội áp đặt về sự nữ tính thì bị gắn mác là ‘tomboy, lố lăng, nổi loạn, còn những người đi theo ‘khuôn vàng thước bạc’ ấy thì bị coi là ‘bánh bèo’, ngây ngô.
Môi trường phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm lý và thái độ của con người. Sự tự ti và lòng tự trọng bị suy thoái không chỉ đơn thuần là những cảm xúc tạm thời, mà chúng là kết quả của quá trình tiếp thu và tích tụ những phản ánh tiêu cực về bản thân. Hiện nay, nhiều người phải đối mặt với việc điều trị những tổn thương tâm lý thời thơ ấu (Childhood Trauma) - những lời nhận xét, tích tụ từ thuở nhỏ. Dù vô ý hay cố ý, chúng đều ảnh hưởng đến tâm thức chúng ta: ”Đồ vô dụng, không được tích sự gì cả.", "Con bé này giống ai mà xấu thế?", "Béo phì quá!", "Người gì mà gầy trơ xương?”. Những lời nói và tình huống tiêu cực này còn có thể tồn tại đến khi chúng ta trưởng thành, tạo nên một hình ảnh tiêu cực về bản thân và khó khăn trong việc loại bỏ chúng. Xã hội hiện nay vẫn đang cố gắng cải thiện việc giao tiếp dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, nhưng những quan niệm sai lầm về hành vi và cách sống vẫn diễn ra hàng ngày, bao gồm cả các định kiến áp đặt lên nữ giới. Những hạn chế không hợp lý về ăn mặc, hành vi, và ước mơ được áp đặt, khiến họ phải đối mặt với hoài nghi và rụt rè đối với bản thân. Định kiến này dần trở thành rào cản cho những mong muốn chính đáng của họ.
Mạng xã hội cũng có tác động lớn đến tâm lý, dễ dàng đẩy các cô gái rơi vào hố đen của sự tự ti khi cố tình tạo dựng những hình ảnh sáng rạng, cuộc sống tươi đẹp của những người có vẻ ngoại hình thu hút, đẩy lùi những người không phù hợp với tiêu chuẩn đẹp truyền thống. Các phong trào self-help như “how to become that girl” hay trước đó là “girlboss” cũng tạo ra áp lực về việc trở thành phiên bản hoàn hảo của bản thân - những “that” girl xinh đẹp và giàu có. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi rằng: chẳng lẽ một cô gái không xinh đẹp theo các tiêu chuẩn, không có căn hộ đắt tiền thì sẽ không thể trở thành phiên bản tốt nhất được hay sao?
Chung quy lại, sự phán xét và chỉ trích từ xã hội, văn hóa so sánh tạo ra tiêu chuẩn, những khuôn mẫu và nhãn mác, cộng hưởng với ảnh hưởng của môi trường phát triển và mạng xã hội, vô hình chung đã tạo thành các yếu tố khách quan góp phần đẩy mạnh sự tự ti trong người phụ nữ. Vậy phải làm sao để vượt khỏi những “rào cản” này? Hãy cùng đón đọc bài viết tiếp theo của Vietnamese Students' Women Association để tìm được một phần câu trả lời cho câu hỏi này nhé!
Vietnamese Students' Women Association - Không một bạn nữ nào bị bỏ lại phía sau.

Power in Numbers

Programs

Locations

Volunteers

Project Gallery

bottom of page